CHỌN DANH MỤC

0 - 1,349,000 đ        

Mạng không dây

 Mạng không dây

 

Mạng không dây (Wireless Networking) đang là giải pháp mới cho các mô hình mạng văn phòng, gia đình, hay những địa điểm rộng lớn mà mạng Ethernet không thể hoạt động được. Lắp đặt một mạng không dây cơ bản đơn giản hơn mạng Ethernet (Wired Network), bạn cũng có thể thiết lập thêm nhiều PC hoặc các thiết bị khác vào mạng một cách dễ dàng.

Đa số các mạng văn phòng hiện nay đều sử dụng loại kết nối dây, vừa cho tốc độ cao, vừa đảm bảo an toàn bảo mật - dữ liệu. Tuy nhiên, việc đi dây không phải lúc nào cũng dễ dàng và nhất là kém hẳn tính linh động. Giải pháp cho vấn đề này là mạng không dây (wireless network). Với tốc độ ngày càng tăng, khả năng bảo mật cao, mạng không dây đang trở thành xu hướng được ủng hộ hiện nay, kể cả từ các nhà sản xuất và người dùng.

Mạng không dây lại đang tăng tốc và phân chia thành nhiều hướng. Trong năm qua, rất nhiều sản phẩm sử dụng các công nghệ antena mới đã đạt được tốc độ và tầm phủ sóng cao hơn đáng kể so với các sản phẩm chuẩn 802.11a/b/g. Những cải tiến này chắc hẳn là tin vui cho những ai thường xuyên truyền các tập tin lớn trong mạng nội bộ hoặc những ai hiện đang gặp rắc rối với các “điểm chết” hoặc tầm phủ sóng chưa đáp ứng yêu cầu.

Wifi là gì?

Wifi – Wireless Fidelity là tên gọi mà các nhà sản xuất đặt cho một chuẩn kết nối không dây (IEEE 802.11), công nghệ sử dụng sóng radio để thiết lập hệ thống kết nối mạng không dây. Đây là công nghệ mạng được thương mại hóa tiên tiến nhất thế giới hiện nay.

Một mạng Internet không dây Wifi thường gồm 3 bộ phận cơ bản: điểm truy cập (Access Point – AP); card giao tiếp mạng (Network Interface Card – NIC); và bộ phận thu phát, kết nối thông tin tại các nút mạng gọi là Wireless CPE (Customer Premier Equipment). Trong đó, Access Point đóng vai trò trung tâm của toàn mạng, là điểm phát và thu sóng, trao đổi thông tin với tất cả các máy trạm trong mạng, cho phép  duy trì kết nối hoặc ngăn chặn các máy trạm tham gia vào mạng. Một Access Point có thể cho phép tới hàng ngàn máy tính trong vùng phủ sóng truy cập mạng cùng lúc.


Tới nay, Viện Kỹ Thuật Điện và Điện Tử của Mỹ (Institute of Electrical and Electronic Engineers - IEEE) đã phát triển ba chỉ tiêu kỹ thuật cho mạng LAN không dây gồm: chuẩn 802.11a ở tần số 5,1GHz, tốc độ 54Mbps; chuẩn 802.11b ở tần số 2,4 GHz, tốc độ 11Mbps; và chuẩn 802.11g ở tần số 2,4GHz, tốc độ 54Mbps. Các ứng dụng mạng LAN, hệ điều hành hoặc giao thức mạng, bao gồm cả TCP/IP, có thể chạy trên mạng không dây WLAN (Wireless Local Area Network) tương thích chuẩn 802.11 dễ dàng mà không cần tới hệ thống cáp dẫn lằng nhằng.

Wifi đặc biệt thích hợp cho nhu cầu sử dụng di động và các điểm truy cập đông người dùng. Nó cho phép người sử dụng truy cập mạng giống như khi sử dụng công nghệ mạng máy tính truyền thống tại bất cứ thời điểm nào trong vùng phủ sóng. Thêm vào đó, Wifi có độ linh hoạt và khả năng phát triển mạng lớn do không bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi lại vị trí, thiết kế lại mạng máy tính. Cũng vì là mạng không dây nên Wifi khắc phục được những hạn chế về đường cáp vật lý, giảm được nhiều chi phí triển khai thi công dây mạng và không phải tác động nhiều tới cơ sở hạ tầng.
 

Những ấn đề về nền tảng

Thiết bị mạng không dây chủ yếu dựa trên chuẩn IEEE 802.11 đang rất thông dụng (hay còn gọi là Wi-Fi: Wireless Fidelity) và có ba dòng chính hiện nay là a, b và g (ngoài ra có thêm dòng i). 802.11b và 802.11g cùng hoạt động ở tần số 2,4GHz và lần lượt có tốc độ truyền lý thuyết tối đa đạt 11Mbps và 54 Mbps; 802.11a hoạt động ở 5GHz và có tốc độ lý thuyết tối đa 54 Mbps (lưu ý là công nghệ không dây nhanh nhất cũng chưa bằng tốc độ của kết nối ethernet chuẩn 100Mbps). Chuẩn 802.11a có ưu điểm là ít bị nhiễu do hoạt động ở tần số 5GHz, trong khi chuấn b và g hoạt động ở 2,4GHz, trùng với tần số của Bluetooth, một số máy điện thoại không dây, lò vi sóng... nên dễ nhiễu.

Thông thường, mỗi thiết bị mạng không dây được thiết kế tương thích một chuẩn, và không thể hoạt động với thiết bị khác chuẩn (trừ chuẩn g tương thích ngược với b). Để thuận tiện cho sử dụng, một số nhà sản xuất đưa ra các thiết bị băng tần kép tương thích với cả ba chuẩn 802.11a/b/g, nhưng lại có giá cao.

Để có một mạng không dây, trước hết mỗi máy tính cần có một adapter không dây, hay còn gọi là adapter Wi-Fi (tương đương với card mạng thông thường). Tiếp theo là WAP (wireless access point) vừa là thiết bị kết nối các adapter không dây với nhau (tương đương hub/switch của mạng thông thường), vừa là thiết bị kết nối mạng không dây với mạng có dây. Hiện nay, khi thiết lập mạng không dây nghiệp vụ, người ta thường sử dụng chuẩn 802.11g (hoặc 802.11a) mà bỏ qua chuẩn 802.11b.

Thật ra, các máy tính có adapter không dây có thể kết nối trực tiếp với nhau mà không cần đến access point (kiểu 'ad-hoc'), nhưng cách này chỉ thích hợp khi có vài máy tính.

 

Các tính năng cơ bản

Kiểu mạng. Mạng không dây thật sự rất hấp dẫn đối với người dùng máy tính xách tay, không muốn bị gò bó vào kết nối vật lý của mạng dây thông thường tại văn phòng. Nếu bạn chọn chuẩn 802.11b rất thông dụng hiện nay (hoặc chuẩn 802.11g mới hơn), bạn có thể sử dụng máy tính xách tay của mình để kết nối Internet Wi - Fi được cung cấp bởi các điểm truy cập công cộng 'hot spot'(Phần lớn các hotspot không hỗ trợ 802.11a).

Bảo mật của mạng không dây là một vấn đề tồn tại. Trên thực tế, đây thật sự là gót chân Asin trước các cuộc tấn công, mặc dù các sản phẩm theo chuẩn 802.11g đã được tăng cường tính bảo mật. Hạn chế về vùng hoạt động cũng là điều cần bàn tới. Mạng không dây hiện nay khó có thể truyền qua vài tầng lầu trong một toà nhà, hay nơi có quá nhiều vật cản.

Tốc độ và tầm hoạt động. Nếu bạn dự tính sử dụng mạng không dây để chia sẻ đường truyền Internet thì sẽ không có vấn đề gì về tốc độ bởi các chuẩn không dây đều cho phép đạt tốc độ trên 1Mbps. Tuy nhiên, nếu để chia sẻ, truyền các tập tin lớn thì bạn nên cân nhắc lại.
Các mạng ethernet hiện tại được sử dụng rộng rãi với tốc độ 10/100Mbps, mạng gigabit cũng được triển khai nhiều. Tốc độ nhanh nhất của mạng không dây hiện nay là chuẩn 802.11a và 802.11g đạt 54Mbps, nhanh hơn nhiều so với 802.11b (11Mbps). Chuẩn 802.11g nhắm vào thị trường lớn hơn nên có giá rẻ hơn 802.11a thường được dùng trong mạng cộng tác xí nghiệp. Sắp tới, chuẩn không dây 802.16a cho WiMax, sẽ có tốc độ và tầm hoạt động lớn hơn.

Với mạng không dây, tốc độ sẽ bị suy giảm nhanh khi khoảng cách tới điểm truy cập (access point) tăng hoặc có nhiều vật cản. Mặc dù các nhà sản xuất công bố sản phẩm Wi-Fi của họ có tầm hoạt động khoảng 100m (300 bộ) nhưng thực tế thường ở mức dưới 50m ở môi trường văn phòng chuẩn.

Bảo mật. Do không kết nối theo một tuyến xác định như mạng dây nên mạng không dây rất dễ bị tấn công. Các nhà thiết kế đã tạo ra thuật toán bảo mật cài bên trong đặc tả của mạng không dây, gọi là Wired Equivalent Privatcy (WEP) nhưng chưa hoàn thiện và chỉ được cải tiến trong phiên bản 802.11i với tên gọi Wi-Fi Protected Access (WPA). Tuy nhiên, để tăng khả năng chống đỡ, bạn có thể mua mua adapter Wi-Fi hỗ trợ mã hoá 128-bit (adapter thông thường chỉ hỗ trợ 40-bit). Các thiết bị 802.11g sẽ phải hỗ trợ WPA.

Hỗ trợ về phần cứng. Không phải tất cả các thành phần mạng đều hỗ trợ cho một công nghệ mạng nào đó. Ví dụ nếu bạn muốn chia sẻ một kết nối Internet băng rộng (ADSL chẳng hạn) thông qua mạng không dây, bạn có thể tìm một số router loại 802.11b và 802.11g tích hợp luôn những thành phần bạn cần: access point cho mạng không dây và router để quản lý giao dịch mạng (phần lớn các router không dây đều có sẵn vài cổng ethernet cho kết nối dây); cũng như card USB hay PCI 802.11b và 802.11g cho PC để bàn hoặc PC Card cho máy xách tay luôn có sẵn trên thị trường. Các thiết bị 802.11a được thiết kế chủ yếu cho người dùng máy tính xách tay chuyên nghiệp nên sự lựa chọn hạn chế hơn.

Các tính năng tường lửa. Nếu bạn sử dụng router hoặc gateway để kết nối mạng vào Internet, thông thường nó đã tích hợp sẵn tường lửa để ngăn chặn sự xâm nhập từ ngoài. Tuy nhiên, khả năng cấu hình của các thiết bị này rất khác nhau. Bạn cần tìm hiểu kỹ và xem có đáp ứng được yêu cầu của bạn không.

Mô tả đặc tính

Hai chuẩn mạng không dây thông dụng nhất là 802.11b và 802.11g bởi khá rẻ, dễ thiết lập và được sử dụng nhiều ở nơi công cộng. 802.11a nhanh hơn nhưng không thích hợp với người dùng gia đình và văn phòng nhỏ.

802.11b hay 802.11g là hai chuẩn mạng không dây thích hợp nhất cho đa số người dùng (hiện nay chủ yếu là 802.11g). Mạng 802.11b rẻ, dễ thiết lập và được sử dụng nhiều ở nơi công cộng. Tuy nhiên khả năng bảo mật của 802.11b kém. 802.11g có tốc độ và khả năng bảo mật tốt hơn, lại tương thích với 802.11b nên đang có xu hướng thay thế dần 802.11b. 802.11a thì chuyên nghiệp hơn, thường dành cho cho các mạng cộng tác xí nghiệp.

Tương thích WPA. Chuẩn mã hoá WEP được áp dụng cho 802.11b cũ dễ dàng bị tin tặc tấn công. Hiện nay, các thiết bị 802.11b và 802.11g hỗ trợ chuẩn bảo mật mới WPA (wired protected access) được đảm bảo tốt hơn. Khi mua, bạn nên tìm hiểu kỹ tính năng bảo mật, xem thiết bị có hỗ trợ WPA hay không.

Ít bị nhiễu hơn. Mạng 802.11a làm việc ở dải tần 5GHz, cao hơn so với 802.11b và 802.11g ở 2,4GHz nên ít bị nhiễu bởi các thiết bị vô tuyến khác như Bluetooth, điện thoại không dây... cũng làm việc ở tần số này.

Tầm hoạt động. Thực tế, mạng không dây 802.11 chỉ hoạt động tốt ở tầm 40m. Nếu có nhiều vật cản (tường, cửa...) khoảng cách này còn thấp hơn. Tầm hoạt động của chuẩn 802.11a ngắn hơn 802.11b/g.

Số máy trạm được hỗ trợ. Theo lý thuyết thì một access point/router hỗ trợ 253 máy trạm không dây. Nhưng trong trong thực tế, chính các nhà sản xuất khuyên người dùng chỉ nên triển khai 10-20 máy trạm cho một access point/router.
 

 

 

 

Mạng Wi-Fi mới cho tốc độ nhanh hơn

Dòng sản phẩm Pre-N của hãng Belkin cải thiện phạm vi hoạt động, cho chuẩn không dây B và G.

Các sản phẩm hỗ trợ mạng không dây từ trước đến nay chưa bao giờ đạt tới tốc độ do nhà sản xuất công bố. Với router Wireless Pre-N giá 150 USD và PC Card Notebook Network giá 100 USD, hãng Belkin đem đến cho bạn nhiều điều hứa hẹn với tốc độ nhanh và phạm vi hoạt động rộng hơn các dòng sản phẩm chuẩn 802.11g trước đây.

Các thiết bị này không chỉ tương thích tốt với chuẩn 802.11b/g mà còn đạt tốc độ cao hơn khi kết nối các máy trạm dùng chuẩn 802.11g với router chuẩn Pre-N (tên Pre-N, ý muốn đề cập đến chuẩn 802.11n còn trong giai đoạn phát triển).

Tốc độ ấn tượng này sẽ không có dịp thể hiện nếu bạn dùng mạng không dây với mục đích chia sẻ Internet băng thông rộng (tốc độ tối đa của truy cập Internet băng thông rộng chỉ từ 1 đến 1,5Mbps) hoặc bạn đã hài lòng với phạm vi của mạng không dây hiện có. Nhưng các sản phẩm Pre-N của Belkin sẽ rất thuận tiện cho nhu cầu thường xuyên sao chép các tập tin lớn, chuyển video hoặc mở rộng mạng Wi-Fi trong gia đình hay văn phòng nhỏ.
Tốc độ cải thiện

Bộ thiết bị mạng Pre-N của Belkin cải thiện tốc độ và phạm vi hoạt động bằng cách sử dụng 3 anten để truyền tín hiệu

 

Qua thử nghiệm chuyển dữ liệu từ PC kết nối với router Pre-N qua mạng ethernet và máy tích xách tay IBM ThinkPad R40 được trang bị PC-Card Pre-N, trong khoảng cách chừng 3m tốc độ truyền nhận lên đến 37mbps - 42mbps, trung bình là 40mbps. Khi thử nghiệm với router và PC card 802.11g cũng của Belkin, tốc độ chỉ đạt từ 13mbps đến 23mbps, trung bình 20mbps.

Khi di chuyển MTXT xa router khoảng 15m và cách vài căn phòng, tốc độ có phần suy giảm. Tốc độ đạt khoảng 12mbps đến 33mbps, trung bình là 20mbps. Cũng với khoảng cách đó, router và PC card chuẩn 802.11g không thể truyền nhận dữ liệu được.

Tuy vậy, khi ta thay router 802.11g cũ bằng một router Pre-N và MTXT vẫn sử dụng PC-Card chuẩn 802.11g , việc kết nối trong khoảng cách 15m có thể thực hiện dù tốc độ giảm xuống tựa như khi sử dụng chuẩn Wi-Fi 802.11b. Và khi kết nối MTXT chuẩn 802.11g vào mạng được trang bị toàn thiết bị Pre-N, tốc độ vẫn đạt kết quả tốt.

Các sản phẩm Pre-N đạt được tốc độ cao là nhờ sử dụng công nghệ MIMO (Multiple Input Multiple Output). Công nghệ này dùng nhiều anten để chuyển nhiều dòng dữ liệu trong cùng kênh tần số (các sản phẩm Wi-Fi khác chỉ chuyển dữ liệu theo 1 dòng trên kênh đơn). Belkin cho biết hãng gọi tên các sản phẩm này là Pre-N là do vài thiết kế của MIMO là nền tảng cho chuẩn không dây tương lai 802.11n của IEEE. Sản phẩm được chứng nhận 802.11n dự tính có mặt trên thị trường vào đầu năm 2007 và sản phẩm Pre-N hiện tại của Belkin có thể sẽ không tương thích. Tuy nhiên, hiện thời, nếu muốn cải thiện tốc độ truyền nhận và phạm vi hoạt động của mạng không dây, chẳng có lý do gì để bạn phải chờ đến 2 năm nữa, khi chuẩn 802.11n được chính thức thông qua.

 

 

Mở rộng mạng Wi-Fi

Một số router Wi-Fi “nóng nhất” sử dụng công nghệ anten thông minh nhằm tăng phạm vi phủ sóng cho mạng không dây chuẩn B và G.

Bạn đang “ghét” hệ thống mạng không dây trong nhà? Nguyên nhân đầu tiên có thể là do mạng này không thể phủ sóng mọi nơi, nhất là trên lầu, ngoài sân, hoặc thậm chí ngay cả trong bếp. Hiện đã có một số bộ định tuyến (router) dán nhãn “Pre-N” hoặc “MIMO” hứa hẹn sẽ với tới được những “điểm chết” trong nhà bạn bằng cách tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba vùng phủ sóng so với các thiết bị chuẩn 802.11b/g hiện nay. Hai trong số đó có thể kể đến là router Super G MIMO của D-Link và Wireless-G SRX của Linksys. Ngoài ra còn một sản phẩm mẫu là Netgear RangeMax và cả 3 router được bán với giá từ 150 đến 199USD, trong khi giá của một router chuẩn 802.11g 54Mbps chỉ vào khoảng 59 USD. PC Card cho dòng thiết bị mới trên cũng có giá từ 99 đến 129 USD so với một PC Card chuẩn 802.11g thông thường hiện nay có giá vào khoảng 39 USD.

Thuốc chữa tạm thời cho những “điểm chết” trong mạng không dây: router RangeMax của Netgear (trái) và Wireless-G SRX của Linksys dùng các công nghệ anten khác nhau.

 

Do vậy, nếu người dùng không ngại về giá cả và muốn thiết lập một mạng Wi-Fi để có thể dễ dàng truy cập ở bất kỳ đâu trong nhà thì vẫn có 2 giải pháp: trang bị thêm cho mạng hiện hữu một access point không dây chuẩn 802.11b/g thông thường hay một anten bắt sóng mạnh hơn.

Với những thiết bị trên, không nhất thiết là bạn phải nâng cấp toàn bộ hệ thống mạng không dây hiện có thì mới tận dụng được trọn vẹn công nghệ mới. Mặc dù nếu router và PC Card cùng chung một dòng sản phẩm thì kết quả sẽ tối ưu hơn (trong đó có tăng cả băng thông) nhưng chỉ cần dùng một router mới bạn cũng có thể cải thiện đáng kể tốc độ truyền dữ liệu trên mạng. Và cuối cùng, nếu bạn cần thêm vùng phủ sóng để phục vụ cho riêng chiếc MTXT duy nhất và muốn tiết kiệm chi phí, hãy chọn một PC Card Wi-Fi khác tốt hơn, ví dụ như card Hi-Gain Wireless-G Laptop của Hawking Technology.

Vươn đến mọi ngóc ngách

Tạp chí PC World Mỹ tiến hành thử nghiệm 3 router mới của các hãng D-Link, Linksys, Netgear và sử dụng lại PC Card Motorola 54Mbps hiện có của một mạng không dây trong nhà. Ở điều kiện tối ưu, không bị vật cản, kết quả cho gần như nhau. Tuy nhiên, trong môi trường thực tế và ở những khoảng cách khác nhau thì kết quả khá khác biệt.

Cả 3 router có vùng phủ sóng khá tốt, gần như gấp đôi so với các router 802.11g thông thường và cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động. Với các router thông thường, bạn không thể sử dụng thiết bị để kết nối không dây nếu cách xa trạm phát hơn 15m hoặc khoảng 2 gian phòng. Ngược lại, 3 sản phẩm thử nghiệm đều phủ sóng được khắp ngôi nhà và rất ít bị giảm tốc độ truyền, ngay cả khi thử nghiệm ngoài sân vườn cách trạm phát đến hơn 20m. Băng thông của mạng không dây chỉ giảm xuống khi trên mạng nội bộ bạn đang sao chép tập tin có dung lượng lớn. Tuy băng thông có giảm nhưng vẫn đạt từ 1MB đến 1,5MB cho bất cứ thiết bị không dây nào kết nối đến. Thử nghiệm chỉ “rớt mạng” khi đem MTXT ra xa cách trạm phát đến gần 50m.

 

MỘT GIẢI PHÁP TIẾT KIÊM

 

 

 

Các router mới với khả năng mở rộng phạm vi phủ sóng có giá không rẻ chút nào. Có một giải pháp với chi phí thấp hơn mà vẫn mở rộng được phạm vi phủ sóng đó là sử dụng PC Card Hi-Gain Wireless-G Laptop (HWC54D) giá 45 USD hỗ trợ chuẩn 802.11b/g.
Về cơ bản, HWC54D là card mạng không dây chuẩn 802.11g với anten có thể điều chỉnh được hướng bắt sóng. Qua thử nghiệm với router 802.11g, HWC54D cho phạm vi bắt sóng rộng hơn, tương tự khoảng cách với các router thử nghiệm trong bài (mặc dù ở khoảng cách hơn 20m thì tốc độ giảm xuống một nửa).

 

PC Card Hi-Gain 802.11g của Hawking có 1 anten có thể xoay để chỉnh hướng bắt sóng tốt nhất

 

 

 

Vì không sử dụng một công nghệ cải tiến tốc độ độc quyền nào nên PC Card Hi-Gain rất tuyệt vời để truy cập đến các điểm phát tín hiệu không dây (hot spot). Một nhược điểm duy nhất của HWC54D là anten gắn ngoài trông khá yếu ớt và dễ gãy.

 

 

           

Sản phẩm được đánh giá cao nhất trong thử nghiệm trên là Linksys SRX, router này cho kết quả tốt nhất cả về tốc độ lẫn vùng phủ sóng. Và chắc bạn cũng không ngạc nhiên nếu biết cả hai router đều dùng chung chipset Airgo True MIMO, hỗ trợ gửi nhiều luồng dữ liệu khác nhau trên 1 kênh duy nhất.

Không như các router thử nghiệm, những router dùng chipset Airgo có thể chuyển đổi sang kênh nào ít bị nhiễu sóng nhất nên các thiết bị này rất linh hoạt trong môi trường phức tạp, có nhiều tín hiệu không dây khác như điện thoại không dây, lò vi ba hay các đài radio tần sóng 2,4GHz. Cạnh đó, Router D-Link Super G MIMO được thiết kế dựa trên chipset Atheros mới, chipset này kết hợp việc thu phát tín hiệu và nén dữ liệu với 2 anten bên ngoài và 2 anten bên trong. Mặc dù Super G truyền dữ liệu nhanh nhưng lại không thể sánh với các router dùng chipset Airgo về phạm vi phủ sóng.

Router Netgear RangeMax cũng dùng chipset Super G của Atheros (nhưng không dùng công nghệ MIMO) và công nghệ anten thông minh BeamFlex của Video54. Công nghệ anten này gồm 7 anten trên bo mạch (không cần anten gắn ngoài) và thay đổi linh hoạt cách kết hợp các anten để đạt tình trạng tối ưu. Phạm vi phủ sóng của Netgear cũng tương tự với của Linksys nhưng tốc độ lại giảm một chút.

MIMO vs MIMO

Nhãn Pre-N thường thấy trên một số sản phẩm ngụ ý đến chuẩn IEEE 802.11n tốc độ cao trong tương lai và các sản phẩm hỗ trợ chuẩn này có thể phải đến cuối năm 2006 mới chính thức xuất hiện. Các sản phẩm Pre-N được sử dụng công nghệ anten MIMO (multiple-in, multiple-out).

Router Super G with MIMO của D-Link có 2 anten gắn ngoài và 2 anten gắn trong.

 

Tuy nhiên, bạn đừng vội mua các sản phẩm có dán nhãn Pre-N vì thực chất MIMO không phải là một chuẩn công nghiệp hay là một thương hiệu gì cả, và các công ty sử dụng tên này để ám chỉ một điều khác. Cũng vậy, công nghệ trong các sản phẩm Pre-N là độc quyền nên trong tương lai khi chuẩn 802.11n chính thức được thông qua thì bạn không thể nâng cấp chúng lên chuẩn 802.11n chính thống. Do vậy, các router Pre-N cũng sẽ không tương thích được với các sản phẩm chuẩn N để có được một mạng “thuần N” tốc độ cao.

Dầu vậy, những vấn đề này sẽ không cản trở người dùng mua sản phẩm sử dụng công nghệ MIMO vì mục tiêu chính vẫn là tốc độ và tính tương thích ngược.
Tất cả các router kể trên đều cải tiến về vùng phủ sóng nhưng router của Linksys (hay router của Belkin) trội hơn hẳn về cả vùng phủ sóng và tốc độ. Bạn đừng quan tâm đến PC Card tương thích làm gì trừ khi bạn phải truyền tập tin có dung lượng lớn trên mạng. Và bạn cũng đừng bận tâm nhiều về vấn đề tính tương thích trong các sản phẩm 802.11n sắp đến vì 2 năm là quãng thời gian quá lâu để có được một vùng phủ sóng toàn diện cho ngôi nhà bạn.

 

Mạng không dây lại đang tăng tốc và phân chia thành nhiều hướng. Trong năm qua, rất nhiều sản phẩm sử dụng các công nghệ ăn ten mới đã đạt được tốc độ và tầm phủ sóng cao hơn đáng kể so với các sản phẩm chuẩn 802.11a/b/g. Những cải tiến này chắc hẳn là tin vui cho những ai thường xuyên truyền các tập tin lớn trong mạng nội bộ hoặc những ai hiện đang gặp rắc rối với các “điểm chết” hoặc tầm phủ sóng chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhóm công nghệ ăn ten mới này được gọi là MIMO (multiple in, multiple out) vì các sản phẩm dựa trên những công nghệ này tăng tốc độ và tầm phủ sóng bằng cách sử dụng nhiều ăn ten thông minh nhằm tối ưu việc truyền tín hiệu tùy theo vị trí của các thiết bị thu. Trong khi đó, các sản phẩm Wi-Fi cũ nói chung cứ truyền tín hiệu mọi hướng, không cần biết các thiết bị thu ở vị trí nào. Thật ra, các hãng sản xuất sản phẩm MIMO đã “quá lời” khi tuyên bố tốc độ truyền dữ liệu tối đa lý thuyết lên đến 108 Mbps. Thực tế, tốc độ truyền dữ liệu thấp hơn nhiều, nhưng đúng là có nhanh hơn các sản phẩm 802.11g trước đây - cũng đã từng được khẳng định tương tự rằng tốc độ lý thuyết tối đa đến 108mbps.

Thử nghiệm đã được tiến hành trên năm bộ sản phẩm MIMO, gồm router và PC Card (dành cho MTXT). Các bộ sản phẩm này sử dụng một trong ba công nghệ MIMO cạnh tranh nhau. Ba bộ Wireless Pre-N của Belkin, Wireless-G Broadband with SRX của Linksys và Pre-N của Netgear dùng công nghệ True MIMO của Airgo Networks. Dòng RangeMax của Netgear sử dụng công nghệ ăn ten BeamFlex của Video54 kết hợp với chipset Super G của hãng Atheros. Dòng Super G MIMO của D-Link cũng sử dụng chip Super G nhưng lại kết hợp với công nghệ Smart Antenna của hãng Atheros.

Để có chuẩn so sánh, NTN thử nghiệm bộ sản phẩm thứ sáu không sử dụng công nghệ MIMO. Đó là bộ router và PC Card Wireless MaxG khá mới của U.S. Robotics, được cải tiến nhằm tăng cường độ tín hiệu và độ nhạy của bộ thu tín hiệu, nhưng giá rẻ hơn loại MIMO.

Hình 1: WirelessG SRX của Linksys.

 

Để đánh giá những sản phẩm MIMO này nhanh và xa đến mức nào, NTN đã thử nghiệm ở ba tầm khoảng cách gần, trung và xa, trong một ngôi nhà xung quanh không có mạng Wi-Fi khác. Ở tầm ngắn, NTN còn thử cho các thiết bị thu chuẩn 802.11g cùng hoạt động để xem chúng có gây ảnh hưởng đến tốc độ của mạng MIMO hay không, bởi vì trong thực tế nhiều người dùng mạng MIMO sẽ vẫn còn chạy các thiết bị Wi-Fi chuẩn.

Kết quả thử nghiệm cho thấy chẳng có sản phẩm nào, hoặc công nghệ MIMO nào, hoàn toàn hơn hẳn các loại khác. Thật ra, ở thử nghiệm tầm ngắn và trung thì dòng không sử dụng công nghệ MIMO của U.S. Robotics lại có tốc độ cao nhất. Tuy nhiên, MIMO lại xuất sắc ở tầm xa, bỏ xa U.S. Robotics. Ở tầm xa, đứng đầu là các sản phẩm sử dụng công nghệ của hãng Airgo, đó là các sản phẩm của Belkin, Linksys và Netgear. Những kết quả này cho thấy những ai quan tâm chủ yếu đến tốc độ ở tầm ngắn có thể yên tâm sử dụng mạng non-MIMO. Nhưng nếu cần tầm xa và vùng phủ sóng rộng hơn mạng 802.11g hiện tại thì các sản phẩm MIMO sẽ đáp ứng tốt. Kết hợp đánh giá thêm về giá cả, tính năng và chính sách hỗ trợ kỹ thuật thì bộ sản phẩm Wireless Pre-N của Belkin là đáng giá nhất (Best Buy).

 

CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ (QOS – QUALITY - OF -SERVICE)

 

 

Mạng càng nhiều thiết bị thì đương nhiên sẽ bị tình trạng tranh giành băng thông; ví dụ, nếu bạn gửi kèm hình ảnh dung lượng lớn qua e-mail thì cuộc gọi VoIP của đồng nghiệp có thể bị ảnh hưởng. Công nghệ QoS cho phép thiết lập mức độ ưu tiên cho các hoạt động đồng thời trong mạng, chẳng hạn, bạn có thể thiết lập mức ưu tiên để các cuộc gọi VoIP không bao giờ bị các luồng dữ liệu khác cắt ngang. Trong khi doanh nghiệp và người dùng còn đang chờ tổ chức IEEE phê duyệt chuẩn QoS (802.11e), hãng Ubicom đã đưa ra một công nghệ QoS độc quyền, gọi là StreamEngine.

 

 

 

 

Hiện hãng Hawking đang sử dụng StreamEngine trong thiết bị HBB1 Broadband Booster giá 106 USD (find.pcworld.com/48376) và sắp tới D-Link cũng sẽ sử dụng công nghệ này trong thiết bị Broadband Internet/VoIP Accelerator (chưa có giá). Ubicom cho biết , mặc định StreamEngine gán cho VoIP mức độ ưu tiên cao nhất, tiếp theo là dữ liệu game, phim ảnh và chia sẻ tập tin. Tuy nhiên người dùng có thể tự thiết lập mức độ ưu tiên theo yêu cầu của mình. Sắp tới tạp chí PC World Mỹ sẽ có một bài viết đánh giá về chuẩn QoS này của Ubicom.

 

         

 

Thực tế về MIMO

Hình 2 : Router và card Pre-N của Netgear.

 

Nếu đang xem xét nâng cấp lên MIMO thì bạn cần quan tâm đến những vấn đề sau. Trước tiên, giá sản phẩm MIMO có thể đắt gấp đôi sản phẩm thế hệ trước. Thứ hai, hầu hết các card mạng MIMO hiện chỉ dành cho MTXT, chưa có thiết bị ngoại vi MIMO. Thứ ba, chỉ có tốc độ mạng nội bộ tăng, còn tốc độ các dịch vụ Internet sẽ không tăng. Vì hầu hết các kết nối băng rộng cao lắm cũng chỉ vài Mpbs, nên mạng chuẩn 802.11b đã đủ rồi. Thứ tư, xem phim qua mạng, đặc biệt HDTV ở chế độ toàn màn hình, có thể lúc được lúc không. Ở tầm ngắn, tốc độ có thể đạt được khoảng 19mbps, vừa đủ đáp ứng HDTV, nhưng nếu còn có thêm các hoạt động khác trong mạng nội bộ thì có thể hình ảnh sẽ bị giật. Nhưng các hoạt động khác như xem DVD, nghe nhạc, TV chuẩn, VoIP thường chỉ cần tốc độ hơn trên dưới 10Mbps nên mạng MIMO có thể đáp ứng tốt. Cuối cùng, các công nghệ MIMO hiện tại không theo chuẩn chung và sẽ không nâng cấp được lên chuẩn 802.11n trong tương lai. Do các hãng dùng các công nghệ độc quyền khác nhau, nên tốc độ và tầm phủ sóng sẽ không tăng đối với các mạng có lẫn lộn nhiều sản phẩm của các hãng khác nhau, hoặc sản phẩm cùng hãng nhưng có lẫn các dòng sản phẩm cũ. Nghe có vẻ nghiêm trọng, nhưng thực tế không tệ đến thế. Tất cả sản phẩm thử nghiệm đều tương thích với các sản phẩm chuẩn 802.11g/b hiện tại, và cũng tương thích với nhau ở chế độ 802.11g. Ngoài ra, các ăn ten cũng giúp chúng tăng tốc độ chút ít đối với các mạng có nhiều thiết bị chuẩn cũ.

Có lẽ phải sang năm sau thị trường mới có các sản phẩm chuẩn 802.11n. Nhưng vì chuẩn 802.11n sẽ tương thích ngược với chuẩn 802.11g, nên các sản phẩm MIMO hiện tại và các sản phẩm 802.11n tương lai sẽ hoạt động được với nhau. Mặc dù các sản phẩm MIMO có thể chỉ đạt tốc độ của chuẩn 802.11g, nhưng ít ra chúng không làm giảm tốc độ của các sản phẩm 802.11n tương lai.

 

THIẾT BỊ ĐỊNH VỊ Wi-Fi

 

 

Thiết bị định vị Wi-Fi giúp bạn phát hiện điểm truy cập Wi-Fi (hotspot), thay vì phải bật MTXT lên để dò tìm. Những thiết bị nhỏ gọn này được thiết kế để tìm các mạng Wi-Fi 802.11b/g xung quanh. Một vài loại có khả năng xác định cường độ tín hiệu và mức độ bảo mật của mạng Wi-Fi - thiết bị định vị Wi-Fi của Canary, Kensington và Smith Micro (find.pcworld.com/48410). Có một thiết bị định vị Wi-Fi mới là HWL1 802.11b/g giá 33 USD của Hawking Technology (find.pcworld.com/48378). Bạn nhấn giữ nút Locate, mở nắp ăn ten định hướng của nó để dò mạng Wi-Fi và nhìn 5 đèn LED màu xanh dương để xác định cường độ tín hiệu. Thiết bị này có thể nhận dạng mã hóa WEP, WPA và WPA2.
Bạn sạc pin (lithium ion) cho HWL1 bằng cách lắp nó vào cổng USB của máy tính, và lúc này nó làm việc như một card mạng Wi-Fi. Hawking tích hợp tiện ích không dây độc quyền của mình

 

 

 

 

để định vị và kết nối vào các mạng Wi-Fi, nhưng tiện ích này lại “trở chứng” trong thử nghiệm, trong khi dùng trình cài đặt mạng không dây chuẩn của Windows thì lại được.

 

         

 

Kết quả thử nghiệm

Nếu không cần xa và quan tâm chủ yếu đến tốc độ thì bạn nên mua bộ của U.S. Robotics vì sẽ tiết kiệm tiền và còn được một máy chủ in USB tích hợp. Bộ này đạt tốc độ cao nhất trong thử nghiệm tầm ngắn và tầm trung của NTN, tốc độ tải xuống và tải lên trung bình lần lượt là 33,1Mbps và 27,8Mpbs.

Hình 3: Super G MIMO Wireless của D-Link.

 

Trong thử nghiệm tầm ngắn, NTN đặt router và PC Card cách nhau khoảng gần 2m trong cùng một phòng. Các sản phẩm dùng công nghệ của Airgo “đuối” nhất ở tầm ngắn: tốc độ của dòng Pre-N (Netgear) chỉ đạt 15,9Mbps. Kết quả thử nghiệm cho thấy rằng các sản phẩm MIMO có xu hướng không tăng tốc độ ở tầm ngắn. Trong lần thử nghiệm Wi-Fi gần đây nhất (không có các sản phẩm MIMO), một router của Buffalo Technology đạt tốc độ trung bình đến 27,6Mbps ở tầm ngắn, chỉ chậm hơn chút ít so với 33,1Mbps của Wireless MaxG (U.S. Robotics).

Vì nhiều người sẽ dùng router MIMO với các thiết bị cũ hơn, nên NTN đã chạy thêm một lần thử nghiệm nữa và lần này có cả các thiết bị chuẩn 802.11g. Hoạt động của các sản phẩm của Belkin, D-Link và Linksys vẫn không đổi khi có hoặc không có các card chuẩn 11g trong mạng. Tốc độ của các bộ khác chỉ bị ảnh hưởng chút ít, chẳng hạn, tốc độ trung bình của router U.S. Robotics giảm từ 33,1Mbps xuống 28,1Mbps.

Do không thử đo tốc độ và tầm phủ sóng của card 802.11g kết nối với router MIMO nên NTN không biết MTXT có card Wi-Fi chuẩn sẽ hoạt động thế nào với mạng MIMO. Nhưng trong lần thử nghiệm vào tháng 04 vừa rồi, NTN nhận thấy vùng phủ sóng của card 802.11g được cải thiện đáng kể. Kết quả này cho thấy chỉ cần nâng cấp router là có khả năng cải thiện hiệu năng hoạt động của mạng.

Ở thử nghiệm tầm trung, MTXT được đặt trong phòng ngủ, cách nơi đặt router 2 phòng đồng thời cũng có các vật dụng trong nhà che chắn (khoảng cách khoảng 9m). Tốc độ chỉ thấp hơn chút ít so với tầm ngắn. U.S. Robotics tiếp tục đứng đầu bảng, các sản phẩm dùng công nghệ của Airgo kém nhất, trong đó Pre-N của Netgear xếp cuối bảng với tốc độ 15,1Mbps.

 

Hình 6 : RangMax Wireless của Netgear.

 

Tuy nhiên, kết quả lại đảo ngược khi NTN dời MTXT ra đặt ở một góc sân sau nhà, cách router khoảng 30m, đó là mô hình thử nghiệm tầm xa. Ở mức này, tốc độ trung bình của bộ Pre-N (Netgear) đứng đầu bảng với 15,3Mbps, theo sát là Belkin và Linksys, cũng dùng công nghệ MIMO của Airgo. Ngược lại, U.S. Robotics không thể chạy được thử nghiệm này. Với kết quả này, nếu đặt yêu cầu khoảng cách và tầm phủ sóng lên mức ưu tiên hàng đầu thì bạn nên chọn các sản phẩm dùng công nghệ MIMO của Airgo.

Có thể bạn sẽ hỏi tại sao kết quả thử nghiệm lại thấp hơn nhiều so với tốc độ lý thuyết 108Mbps của các sản phẩm MIMO. Một trong những lý do là thử nghiệm Wi-Fi rất dễ bị “nhiễu”: Sóng vô tuyến bị ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, từ các vật dụng, sóng vô tuyến khác và kể cả thời tiết... Vị trí đặt thiết bị cũng ảnh hưởng đến tốc độ. Khoảng cách giữa router và card mạng càng xa thì khả năng tăng tốc độ so với chuẩn 802.11g càng thể hiện rõ, đặc biệt khi tín hiệu chuẩn 11g mất dần ở rìa vùng phủ sóng. Và cuối cùng, các hãng sản xuất nói chung không kích hoạt chế độ mã hóa khi thử nghiệm, vì có thể làm giảm tốc độ. Trong khi đó, NTN sử dụng mã hóa WPA, và bạn cũng nên dùng chế độ mã hóa này (xem “Các chọn lựa bảo mật cho Wi-Fi”).

Các router dùng chip Super G của Atheros, như RangeMax (Netgear) và Super G MIMO của D-Link sử dụng công nghệ đang còn tranh cãi là “channel bonding” để tăng tốc độ và tầm phủ sóng.

“Channel bonding” hoạt động như sau: Ở Mỹ, theo chuẩn của IEEE, thiết bị chuẩn 802.11b/g truyền dữ liệu trên 1 trong 11 kênh xung quanh tần số 2,4GHz. Trong số 11 kênh đó, chỉ có các kênh 1, 6 và 11 là có khoảng cách biệt đủ xa để cả 3 kênh cùng hoạt động đồng thời mà không gây nhiễu lẫn nhau. Nhờ có 3 kênh này mà các thiết bị Wi-Fi chuẩn 802.11x không gây nhiễu lẫn nhau, nghĩa là, nếu mạng Wi-Fi của bạn dùng kênh 1 thì mạng Wi-Fi của láng giềng có thể sẽ tự động chuyển sang dùng kênh 6 hoặc 11.

Hình 5: Wireless MaxG của U.S.Robotics.

 

Nhưng thiết bị dùng công nghệ “channel bonding” tăng tốc độ bằng cách chiếm luôn cả 3 kênh này, cắt đứt tất cả các mạng khác trong vùng phủ sóng khi truyền dữ liệu, kết quả là có thể làm giảm tốc độ của các mạng khác. Vấn đề này nghiêm trọng đến mức Hiệp Hội Wi-Fi sẽ không chứng nhận các sản phẩm nào không tắt chế độ “channel bonding” khi có mạng khác cùng hoạt động trong vùng phủ sóng.

Khi thử nghiệm, chúng tôi để nguyên thiết lập mặc định của sản phẩm giống như hầu hết người dùng. Đáng tiếc là thiết lập mặc định của router RangeMax (Netgear) vẫn tiếp tục sử dụng công nghệ xâm chiếm các kênh khác, bất kể có hay không có mạng Wi-Fi khác trong vùng phủ sóng, trừ khi chúng tôi lắp thêm một thiết bị thu khác không dùng công nghệ xâm chiếm kênh. Hay nói khác đi, mạng RangeMax không tự động tắt chế độ xâm chiếm kênh khi có mạng khác nằm trong vùng phủ sóng! Đại diện của Netgear cho biết, vì NTN đang dùng sản phẩm thử nghiệm, Netgear đã thay đổi thiết lập mặc định ở các router RangeMax là không xâm chiếm các kênh khi phát hiện có mạng Wi-Fi khác trong vùng phủ sóng. Tuy nhiên, rõ ràng sẽ có người mua sản phẩm có thiết lập mặc định như loại của NTN, vì thế NTN đã trừ một vài điểm trong kết quả xếp hạng.

 

BÊN TRONG CÁC CÔNG NGHỆ MIMO MỚI

 

 

Tuy tất cả sản phẩm đều được gọi là MIMO nhưng công nghệ sử dụng bên trong lại khác nhau.

Chuẩn Wi-Fi 801.11g
Ăn ten các thiết bị chuẩn 802.11g gửi và nhận dữ liệu tất cả các hướng, sử dụng 1 trong 11 kênh ở tần số 2,4GHz dành cho Wi-Fi 802.11b/g.

True MIMO của hãng Airgo Networks
Các sản phẩm sử dụng: Wireless Pre-N Router (Belkin), Wireless-G Broadband Router with SRX (Linksys) và Pre-N Wireless Router (Netgear)
Kết quả thử nghiệm: Ổn định nhất và ở tầm xa có tốc độ cao nhất so với các loại khác.
Công nghệ True MIMO đã được cấp bằng sáng chế của Airgo Network khai thác triệt để các đặc tính truyền theo nhiều hướng của sóng radio. Sản phẩm áp dụng công nghệ này dùng đồng thời hai bộ phát để gửi 2 luồng dữ liệu khác nhau trên cùng một kênh 2,4GHz. Ở đầu thu, ba ăn ten và các bộ thu giải mã các luồng dữ liệu và kết hợp thành một luồng. Các ăn ten phụ giúp cải thiện tốc độ và tầm phủ sóng.

Beamforming của hãng Atheros
Các sản phẩm sử dụng: Super G MIMO Wireless Router (D-Link)
Kết quả thử nghiệm: Tín hiệu mạnh nhất ở tầm trung.
Trong các sản phẩm dùng công nghệ ăn ten beamforming, bộ phát tín hiệu hướng các luồng dữ liệu trực tiếp vào các ăn ten ở thiết bị thu tín hiệu. Sản phẩm MIMO của D-Link dùng một chipset ăn ten thông minh của hãng Atheros để kết hợp công

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

nghệ beamforming với chip Wi-Fi Super G (cũng của Atheros). Các ăn ten này cảm nhận vị trí các thiết bị thu để tập trung các luồng dữ liệu về đấy.

BeamFlex của hãng Video54
Sản phẩm sử dụng: RangeMax Wireless Router (Netgear)
Kết quả thử nghiệm: Tốc độ nhanh nhất ở tầm trung, nhưng kết quả chung lại không ổn định.
Dòng RangeMax của Netgear dùng công nghệ BeamFlex Smart MIMO của hãng Video54, đang chờ cấp bằng sáng chế. Thay vì dùng các ăn ten ngoài như thường thấy, router RangMax dùng bảy ăn ten bên trong được sắp xếp tối ưu để truyền dữ liệu tùy theo vị trí của các thiết bị thu và các vật cản ở môi trường xung quanh. Các thiết bị thu RangMax cũng dùng nhiều ăn ten và phần mềm được tối ưu cho BeamFlex.

 

 

<

TIN TỨC KHÁC
  • Vui lòng đợi ...

    Đặt mua sản phẩm

    Xem nhanh sản phẩm